steve.bui Admin
Tổng số bài gửi : 201 Điểm tích cực : 590 Được cảm ơn : 8 Join date : 22/07/2009
| Tiêu đề: Tạo dựng quan hệ với sếp mới 4/6/2010, 8:17 am | |
| Sếp của bạn vừa được thăng chức lên một vị trí cao hơn và chuyển sang phụ trách công việc khác. Một quản lý mới được điều về thay thế cho ông ta. Bạn vốn rất quý người sếp cũ và đang lo lắng liệu mình có thích nghi được với sếp mới hay không. Làm sao để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với người quản lý mới này?
Thông thường nhân viên thường than phiền họ không “hợp” với sếp mới, rằng phong cách quản lý của ông ta/bà ta “kỳ kỳ” làm sao. Tâm lý ấy thường xuất phát từ lý do chủ quan của bạn: bạn đã quá yêu quý và thần tượng người sếp cũ của mình. Thật ra, bạn sẽ nhanh chóng hòa hợp với sếp mới nếu bạn khéo léo và tinh tế một chút:
Đề nghị được họp mặt với sếp mới. Cuộc hẹn này chỉ nên có bạn và sếp mới để hai bên trao đổi và tìm hiểu về công việc của bạn. Sếp cần biết bạn đang làm những việc gì và bạn cũng cần nắm được mong muốn của sếp. Cuộc trao đổi này chính là tiền đề giúp sếp và bạn có thể làm việc “ăn rơ” nhau trong những ngày tháng sắp tới.
Hãy là cánh tay hỗ trợ đắc lực của sếp. Bạn nên nhớ bất kỳ sếp mới nào cũng có tâm lý “bất an” trong những ngày đầu vì họ chưa nắm rõ công việc đang diễn ra trong phòng ban của mình. Vì vậy, sếp mới sẽ rất trân trọng những nhân viên có thái độ làm việc tích cực và sẵn sàng cung cấp thông tin cần thiết cho công việc. Ví dụ, nếu bạn đang làm một khảo sát nghiên cứu thị trường, hãy cung cấp cho sếp đầy đủ thông tin về đối tượng khảo sát, phạm vi khảo sát… để sếp nắm rõ công việc đang diễn ra. Nếu bạn, vì bất kỳ lý do nào, không cung cấp thông tin đầy đủ cho sếp, bạn có thể bị sếp cho rằng không có thái độ hợp tác đó.
Biết tiếp thu học hỏi từ sếp. Rất nhiều nhân viên tỏ ra khó chịu với những nhận xét hay đề xuất giải quyết công việc từ sếp mới. Tuy nhiên, bạn nên nhớ sếp mới là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho những dự án mà họ phụ trách, vì vậy khi sếp đưa ra lời khuyên, bạn nên chú ý lắng nghe. Nếu ý kiến sếp không phù hợp, bạn nên khéo léo trình bày để sếp hiểu nguyên do. Nếu ý kiến của sếp phù hợp, bạn nên học hỏi vì đó là một vị sếp tài năng. Còn nếu bạn cứ khư khư giữ quan điểm của mình, bạn đã cố tình tạo khoảng cách và mâu thuẫn với sếp.
Đừng bao giờ nói “Sếp cũ làm như thế…” Nhiều nhân viên vô tình phạm phải điều mà các sếp mới không thích tí tẹo nào. Đó là khi sếp mới yêu cầu anh ta làm một việc gì đó, anh sẽ thành thật trả lời “Ồ, trước đây, anh A/cô B (sếp cũ) làm thế này…” và cách làm này khác với cách của sếp mới. Rõ ràng, đây là một cách trả lời chẳng khéo léo chút nào vì nó đánh trúng lòng tự ái của sếp mới. Để tránh những điều không hay tương tự, bạn nên tránh làm theo cách bạn đã làm với sếp cũ. Bạn nên nhớ sếp mới có thể có nhiều ý tưởng và cách giải quyết mới tốt và phù hợp hơn.
Điều chỉnh cách làm việc. Hiểu được tâm ý của sếp mới là một nghệ thuật giúp bạn làm việc suôn sẻ với ông ta. Chẳng hạn sếp thích bạn làm báo cáo gửi hàng tuần hay sếp thích họp mặt trực tiếp hàng tuần hơn? Sếp muốn là người tham gia nhiều vào dự án hay muốn cho nhân viên có nhiều quyền quyết định hơn? Hiểu được những tính ý này sẽ giúp bạn điều chỉnh cách làm việc phù hợp và được sếp quý mến hơn.
Suy nghĩ tích cực. Nên nhớ rằng sếp của bạn đang ở một vị trí mới, và cũng giống như bất cứ nhân viên mới nào, sếp cũng cần có thời gian để thích nghi với vai trò mới của mình. Vì vậy, nếu mọi việc không trôi chảy như ý muốn, bạn cũng đừng nên phán xét hay tỏ thái độ không tin cậy sếp mới. | |
|